Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đặt kỳ vọng lễ hội thổ cẩm sẽ là cầu nối cho các sản phẩm thổ cẩm tới tay người tiêu dùng trong và ngoài nước tạo thuận lợi cho ngành thổ cẩm được giữ gìn và phát triển bền vững.
Theo đó, Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức theo quy mô cấp quốc gia từ ngày 14 – 16/1/2019 tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
Lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động, như Triển lãm không gian văn hóa thổ cẩm và không gian ẩm thực, Hội thảo văn hóa thổ cẩm Việt Nam, Lễ hội đường phố và Trình diễn thời trang thổ cẩm ứng dụng nhằm giới thiệu, quảng bá tới bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch và các giá trị di sản văn hóa các dân tộc của tỉnh Đắk Nông.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định, Đắk Nông có hơn 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo nên một nét văn hóa đặc trưng cho mảnh đất phía nam Tây Nguyên. Đây là nơi lưu giữ nhiều vốn văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng và đặc sắc, trong đó thổ cẩm là một trong phương tiện biểu đạt. Thổ cẩm cũng là di sản văn hóa quý giá, giàu tính nhân văn cần được bảo tồn và phát triển.
“Hiện nay, vấn đề đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm còn nhiều hạn chế, vì vậy, thông qua hoạt động của lễ hội, chúng tôi kỳ vọng lễ hội sẽ là cầu nối cho các nghệ nhân giao lưu học hỏi kinh nghiệm nhằm hướng tới phát triển bền vững nghề thổ cẩm và các sản phẩm thổ cẩm sẽ tìm được đầu ra vững chắc”, bà Hạnh nói.
Cũng trong thời gian này, chiều 14/1/2019, UBND tỉnh Đắk Nông sẽ tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Đắk Nông
Tại Hội nghị, UBND tỉnh Đắk Nông sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư và ký kết biên bản hợp tác đầu tư cho các dự án về máy điện mặt trời, điện năng lượng mặt trời, các dự án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, các dự án nông nghiệp công nghệ cao; phát triển khu thương mại dịch vụ du lịch; phát triển các tuyến, điểm du lịch…với tổng vốn đầu tư mục tiêu đến hết ngày tổ chức hội nghị là 100.000 tỷ đồng.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông cho biết, trong giai đoạn từ 2018-2020, tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư vào 25 dự án khác với tổng vốn đầu tư dự kiến là 6.660 tỷ đồng vào các lĩnh vực nông nghiệp; hạ tầng công nghiệp, thương mại dịch vụ du lịch….
Cũng cần nói thêm, ngoài những giá trị về văn hóa thổ cẩm, Đắk Nông cũng là địa điểm tiềm năng cho phát triển du lịch với nhiều hồ, thác đẹp như thác Đay Sáp-Gia Long – Trinh Nữ, thác Đắk Glun, thác Liêng Nung, thác Đắk Busk So, thác Lưu Ly, hồ Eas Snoo, khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, vườn quốc gia Tà Đùng, hệ thống núi lửa lớn nhất khu vực Đông Nam Á với nhiều hang động khác nhau.
Đắk Nông cũng nằm trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.
Ngoài cồng chiêng, Đắk Nông còn có đàn đá, những nhạc cụ thô sơ bằng tre, nứa vẫn được gìn giữ bảo tồn thu hút khá nhiều sự quan tâm của khách du lịch, nhà văn hóa nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước.