Chiều 17-6, trong chuỗi Chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch và điện ảnh Việt Nam năm 2023, UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT-DL), Công ty CP đầu tư và truyền thông Đông Nam tổ chức Hội nghị quốc tế xúc tiến đầu tư phát triển thương hiệu du lịch qua điện ảnh năm 2023. Tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa đã khẳng định: “Tỉnh Khánh Hòa luôn trân trọng, vui mừng chào đón và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho tất cả các nhà làm phim trong nước nói riêng và trên toàn thế giới nói chung khi đầu tư, sản xuất, hoạt động nghệ thuật tại tỉnh”.
Dự hội nghị có các ông Nguyễn Văn Hùng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTT-DL; Nguyễn Hải Ninh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Khánh Hòa; Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ VHTT-DL; Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, lãnh đạo UBND tỉnh, HĐND tỉnh cùng các sở, ban, ngành tỉnh Khánh Hòa cùng 150 đại biểu là các tập đoàn, doanh nghiệp trên cả nước, các nhà sản xuất phim, đạo diễn, biên kịch, diễn viên.
Cũng tại hội nghị, Sở Du lịch Khánh Hòa đã giới thiệu tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh, giới thiệu một số sản phẩm thương hiệu du lịch đặc trưng của Nha Trang – Khánh Hòa có thể làm hình ảnh quảng bá du lịch qua điện ảnh. Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa cũng công bố chính sách ưu đãi, hỗ trợ các nhà sản xuất phim trong nước và quốc tế tới làm phim tại tỉnh Khánh Hòa. Lãnh đạo Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) chia sẻ quan điểm và cam kết, tài trợ cho các dự án phim phù hợp khi thực hiện tại tỉnh Khánh Hòa.
Tại hội nghị, UBND tỉnh Khánh Hòa và Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long (trực thuộc Tập đoàn Sun Group) đã ký kết ghi nhớ về xây dựng phim trường tại Đầm Môn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh); UBND tỉnh ký kết ghi nhớ với Vietinbank về tài trợ để thực hiện các bộ phim có nội dung phù hợp với Khánh Hòa. Công ty CP Sản xuất phim Hoan Khuê (HK film) ký kết ghi nhớ với Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hoà về Nghiên cứu đầu tư sản xuất, truyền thông dự án phim “Ngày xưa một chuyện tình”; Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Quảng bá hình ảnh Việt (MaiLong film) với Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hoà về Nghiên cứu đầu tư sản xuất, truyền thông dự án phim “Chạm vào hạnh phúc”.
Trên cơ sở đó, tại hội nghị, các nhà làm phim, đạo diễn có uy tín trong nước và quốc tế đã trình bày các tham luận về kinh nghiệm làm phim. Trong đó, ông Justin Kim – CEO CJ Việt Nam cho biết, ở Hàn Quốc các nhà làm phim nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các địa phương (từ chỗ ăn ở cho đến tiền mặt). Và các bộ phim cũng đã giúp các điểm du lịch thu hút rất lớn lượng khách du lịch như phim Homtown Chachacha đối với Pohang, Xin chào ông bố của tôi với Busan… Ở Việt Nam, CJ Việt Nam đã nhận được sự hợp tác, hỗ trợ rất lớn từ các tỉnh Quảng Nam (phim Cô gái đến từ hôm qua), Quảng Bình (phim Người bất tử), Lâm Đồng (phim Tháng năm rực rỡ)… Các phim đã giới thiệu được nhiều cảnh đẹp của các tỉnh này đến với khán giả Việt Nam và quốc tế. Tuy nhiên, theo ông Justinkim, sẽ tốt hơn nếu Việt Nam ban hành quy trình xin phép làm phim để việc làm thủ tục nhanh hơn. Và cũng cần có những cuộc gặp gỡ giữa chính quyền địa phương với các hiệp hội điện ảnh, các nhà làm phim để tìm tiếng nói chung.
Cũng tại hội nghị, bà Đinh Thị Thanh Hương – Chủ tịch Điều hành Galaxy Studio đã có bài tham luận “Kinh nghiệm quốc tế về cơ chế hỗ trợ cho bối cảnh quay phim” trong đó dẫn ra các trưởng hợp ở Hàn Quốc, Thái Lan hỗ trợ rất lớn cho các đoàn làm phim. Theo bà Hương, các quy định xin phép làm phim ở Việt Nam còn chồng chéo, dễ làm nản lòng các nhà làm phim quốc tế. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực của ngành làm phim ở Việt Nam cũng còn hạn chế… “Chúng ta cần đơn giản hóa thủ tục hành chính việc cấp phép làm phim, tích hợp nhiều giấy phép con trong một giấy phép lớn; hỗ trợ, giảm giá về dịch vụ ăn ở cho các đoàn làm phim; về lâu dài cần có hỗ trợ chính sách thuế và tài chính cho các đoàn làm phim quốc tế và trong nước… Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần kết hợp với các đoàn làm phim tăng cường truyền thông địa điểm để thu hút khách”, bà Hương đề xuất.
Với góc nhìn một người nước ngoài làm phim ở Việt Nam, đạo diễn Aron Toronto (Mỹ) đánh giá trong khoảng 20 năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có sự phát triển khá mạnh, dù vẫn còn kém so với nhiều nước trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, đó là tín hiệu vui cho ngành điện ảnh Việt Nam, tương lai của điện ảnh của Việt Nam rất xán lạn. Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc và một số quốc gia trong khu vực, đạo diễn Toronto đề xuất, Việt Nam cần lập Quỹ phát triển điện ảnh quốc gia, kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn tham gia đầu tư sản xuất phim, các địa phương cũng nên có sự hỗ trợ cho các đoàn làm phim, nhà nước có chính sách giảm thuế cho đoàn làm phim… “Quan trọng nhất là tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước và các nhà làm phim”, đạo diễn Toronto bày tỏ.